Nguyễn Thế Hoàng Linh: “Bắt nạt” và các bài thơ nổi tiếng

Nguyễn Thế Hoàng Linh sinh năm 1982. Hiện sống ở Hà Nội.

Tác phẩm:
– Thơ: Nguyễn Thế Hoàng Linh đã viết hàng nghìn bài thơ trên các diễn đàn mạng. Tác giả đã chọn lựa và làm thành các tập thơ: Mầm sốngUống một ngụm nước biểnEm giấu gì ở trong lòng thếBé tập tôMật thưRa vườn nhặt nắng,…
– Văn xuôi: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùngChuyện của thiên tài (tiểu thuyết), Văn chương động,…

Giải thưởng: Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2004 cho tiểu thuyết Chuyện của thiên tài.

Giá mà được chết đi một lúc

Giá mà được chết đi một lúc
chắc bình yên hơn một giấc ngủ dài
nếu được xuống địa ngục thì càng tốt
lên thiên đường sợ chả gặp ai

Giá mà được chết đi một lúc
tỉnh dậy xem người ta khóc hay cười
và xem thử mình sẽ cười hay khóc
làm ma có sướng hơn làm người?

Giá mà được chết đi một lúc
nằm im cho cuộc sống nhỏ tuôn trào
nếu người ta tống ngay vào nhà xác
cứ thế mà chết cóng cũng chẳng sao.

Nguồn: báo Tuổi trẻ

Lẽ giản đơn

đã bao giờ em bóc lịch
thấy qua vô nghĩa một ngày
rồi em ghi vào nhật kí
…ngày mai như ngày hôm nay…

đã bao giờ em hoảng hốt
khi mình bất lực trước mình
và em thấy trong đôi mắt
có gì ứa ra
vô hình

nếu có xin em đừng sợ
thật ra là rất bình thường
tất cả chúng ta đều thế
mỗi khi cần được yêu thương

(2001)

Giá tình yêu save được…

giá tình yêu save được
error thì load lại chẳng bận lòng
giá tình yêu delete được
chán
hắt xì một cái
thế là xong
tôi chỉ xin kể một câu chuyện nhỏ
có một lần tôi làm thơ trên máy tính
và đặt tên file là “tinhyeu”
khi không hài lòng tôi định xoá
cái máy tính bị coi là muôn đời vô cảm
hỏi tôi:
“are you sure you want to delete
‘tinhyeu’?”
tôi đã rùng mình
bạn ạ.

Lặng im thì cũng vừa tàn mùa đông

tôi hỏi một không tám không
chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?
chị tổng đài giọng nhu mì
à nhiều màu lắm vặt đi vẫn nhiều
hình như là bạn đang yêu?
không, em chỉ hỏi những điều hồn nhiên
hình như là bạn đang điên?
vâng, điên thì mới phí tiền hỏi han

xong xuôi hết bốn chín ngàn

Cảm ơn

cảm ơn những rung động bồng bột
đã không đuổi tôi ra khỏi tôi
những ngộ nhận thường làm thơ mềm hơn

sống là cuộc bóc vỏ ngộ nhận
ngộ nhận là vỏ tái tạo vĩnh cửu

những ngộ nhận làm anh đau xót
kể làm gì nào ai trách được đâu
cái cơn đang rơi ngoài cửa sổ
đứa trẻ vạch chim đái xuống đường
đâu ai biết đấy chẳng phải mưa
có người hít hà như làn hương

ai giúp anh cai nghiện ngôn ngữ
ngoài giọng nói khoả thân của em
ngày dài lắm như độ ngân dấu chấm
nỗi buồn ư
sự ngộ nhận sau cùng
cả vị ngọt khi anh nghe em khóc
cũng khó lòng giác ngộ mắt đại dương

xăm nỗi nhớ của tôi lên bóng tối
mà bình minh thanh thản lột da hoài
may chiếc áo dịu dàng bí hiểm
khoác lên em của quá khứ về sau

dập chấn động bằng cách đóng phố lại
tôi trở về làm tôi nhà quê
không hiểu cái đang làm tôi lạnh lẽo
khi bâng quơ nhìn nắng chết trên đồng
không
chỉ ngã gẫy xương thôi chứ
thoi thóp và châu chấu xoãi cánh nâng

05.03.04
Nguồn: http://tienve.org/home/li…rtwork&artworkId=1969

Bắt nạt

Bắt nạt là xấu lắm
Đừng bắt nạt, bạn ơi
Bất cứ ai trên đời
Đều không cần bắt nạt

Tại sao không học hát
Nhảy híp-hóp cho hay?
Thời gian trong một ngày
Đâu để dành bắt nạt

Sao không ăn mù tạt
Đối diện thử thách đi?
Thử kẻ yếu làm gì
Sao không trêu mù tạt?

Những bạn nào nhút nhát
Thì là giống thỏ non
Trông đáng yêu đấy chứ
Sao không yêu, lại còn…?

Đừng bắt nạt người lớn
Đừng bắt nạt trẻ con
Đừng bắt nạt nước khác
Trên khắp trái đất tròn

Đừng bắt nạt mèo, chó
Đừng bắt nạt trái cây
Đừng bắt nạt ai cả
Vì bắt nạt dễ lây

Bạn nào bắt nạt bạn
Cứ đưa bài thơ này
Bảo nếu cần bắt nạt
Thì đến gặp tớ ngay

Cứ đến bắt nạt tớ
Bị bắt nạt quen rồi
Vẫn không thích bắt nạt
Vì bắt nạt rất hôi!

Nguồn: SGK Ngữ văn 6 (tập I), NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 27-28. Dẫn lại từ: Nguyễn Thế Hoàng Linh, Ra vườn nhặt nắng, NXB Thế giới, 2017, tr24-25.

Nguyễn Thế Hoàng Linh: ‘Bài thơ Bắt nạt khơi gợi sự yêu thương’

Nguyễn Thế Hoàng Linh nói viết bài Bắt nạt (được in trong sách Ngữ văn lớp 6) với mong muốn khơi gợi tính cách quân tử, sự yêu thương.

Tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh nằm trong sách Ngữ văn lớp 6 (tập 1), thuộc bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 2021.

Bài thơ có trong tập Ra vườn nhặt nắng của tác giả, in lần đầu năm 2015. Sáng tác gồm tám khổ, mỗi khổ bốn dòng. Những ngày qua, nhiều độc giả, trong đó có các phụ huynh học sinh, cho rằng thơ có từ ngữ sáo rỗng.

Dịp này, nhà thơ trò chuyện về cảm hứng sáng tác Bắt nạt.

– Anh nói gì khi bài thơ của anh bị nhận xét ngôn từ ngô nghê, vô nghĩa?

Tôi cho rằng việc sử dụng từ ngữ đơn giản, học theo cách trẻ nói chuyện là cách hiệu quả để viết thơ cho trẻ em. Còn chiều sâu tác phẩm là những gì nén trong ngôn ngữ ấy. Không khó để thấy những ngôn từ đơn giản (thực chất là tối giản) vẫn có thể vẽ ra thế giới đầy hình ảnh, ý tưởng, trò chơi, nhân vật như mù tạt, hip hop, bạn nhút nhát, bạn bắt nạt, trẻ em, người lớn, tớ, mèo, chó, cái cây, đất nước. Rồi những nhân vật và có thể chính người đọc tham gia vào thế giới tưởng tượng, tương tác với nhau qua hành động như ăn mù tạt, học hát, nhảy hip hop, bắt nạt.

Vì “bắt nạt dễ lây” như con virus, gây ra cả một vòng tròn bắt nạt toàn cầu mà từ “đừng bắt nạt” phải dùng rất nhiều lần. “Bắt nạt” trong thế giới ấy và chính cuộc sống này được ví với mùi hôi vì là trò chơi bẩn, dễ gây xa lánh. Thông điệp sau lớp ngôn từ con trẻ ấy không chỉ đơn giản là “Bắt nạt là xấu lắm”. Tôi muốn nói về sự khơi gợi tính quân tử, sự yêu thương muôn loài: “Đừng bắt nạt ai cả”.

– Quan điểm của anh trước ý kiến cho rằng một số từ trong bài thơ xa lạ với trẻ em ở vùng quê như “mù tạt”, “hip hop”?

Trẻ con vùng quê, vùng xa cũng xem mạng xã hội và biết nhiều chứ, nhiều trẻ em miền núi như Sapa còn nói tiếng Anh giỏi hơn hầu hết người thành phố. Ở đâu trẻ em cũng không ngừng học hỏi. Một phần quan trọng của sự học chính là học từ mới, vì ngôn ngữ là nơi nén thế giới. Từ nào chưa biết, chỉ cần dạy là các em có thể hiểu trong chớp mắt. Từ mới không làm khó mà làm mới trẻ em.

– Theo anh, tác phẩm phù hợp với học sinh ở điểm nào?

Bài thơ phù hợp với các bạn nhỏ, học sinh nhiều lứa tuổi vì nó là cuộc đối thoại với trẻ em, bằng giọng điệu tôn trọng, thân thiện. Có nhiều hình ảnh buồn cười, dễ thương mang tính hoạt hình như “trêu mù tạt”, “nhảy hip hop”, “giống thỏ non”, “bắt nạt dễ lây”, “bắt nạt rất hôi”. Người đọc có thể thả trí tưởng tượng, sẽ thế nào khi bạn bị ức hiếp “đưa bài thơ này” cho bạn bắt nạt. Hay nếu người bắt nạt đến gặp “tớ” (tác giả) thì sao nhỉ? Các tình huống này giáo viên hoàn toàn có thể cho học sinh diễn kịch như một trò chơi tìm giải pháp. Bài có nhiều ý tưởng, hình ảnh có thể giúp tăng vận động não bộ. Khi não các em tập thể dục cùng những bài thơ hay, nhân văn, sự thú vị, yêu thích có thể chạm tới phần hướng thiện, thức tỉnh trong nhiều em.

– Anh nghĩ sao trước ý kiến cho rằng bài thơ nên được đưa khỏi sách giáo khoa?

Khi những người làm sách liên hệ và đề nghị đưa bài thơ của tôi vào chương trình học Ngữ Văn lớp 6, họ nói rất thích và muốn tác phẩm giúp ích cho nạn bắt nạt đang gây nhức nhối ở môi trường học đường. Qua trao đổi, tôi thấy được tâm huyết của họ và đồng ý.

Tôi không xin vào sách giáo khoa và cũng không có nhu cầu bài thơ của mình ở lại sách, nếu phần đông học sinh thấy dở. Nhưng nếu với nhiều em, bài này hay, có ích thì những người có ý kiến này cũng nên xem lại mình.

– Theo anh, tiêu chí để một bài thơ được đưa vào sách giáo khoa là gì?

Tôi vẫn cho rằng sách giáo khoa dùng cho nhiều học sinh, được các em tin tưởng như kim chỉ nam nên phải đảm bảo chất lượng cao. Một bài thơ đưa vào sách nên xuất sắc về nghệ thuật, vì có đủ số bài thơ như vậy để chọn ở nhiều tác giả cũ và mới. Muốn phù hợp với học sinh, người chọn tác phẩm ngoài việc có thẩm mỹ cao về văn chương còn cần hiểu về giáo dục.

– Anh bắt đầu viết thơ lúc nào và gặp khó khăn gì khi theo đuổi sự nghiệp này?

Hồi nhỏ tôi chủ yếu đọc ca dao, tục ngữ và thơ trong sách giáo khoa. Một ngày, tôi tự nhiên viết ra được những bài thơ hoàn thiện về vần điệu.

Tôi có tám năm viết tác phẩm mà không có nơi đăng trước khi tìm thấy Internet năm 2002. Rồi vài năm đấu tranh với gia đình để bỏ học, dành nhiều thời gian cho việc viết. Nhuận bút thị trường thấp, tôi cũng không thích tác phẩm của mình bị biên tập nên đành tự in và bán sách. Song song đó, tôi sáng tác, chăm sóc các trang mạng xã hội, đôi khi tôi bị quá tải. Ngoài ra, thói quen liên tục tìm kiếm bài thơ hay, tác phẩm mới khiến tôi không ngừng suy nghĩ, cùng chứng đau lưng đã gây mệt mỏi cho tôi.

Tuy nhiên, tôi thấy đó đều là những thử thách thú vị để vượt qua, trưởng thành hơn. Đến giờ tôi không còn than phiền về mấy chuyện này vì thấy bình thường. Bên cạnh khó khăn, thơ ca cũng đem lại cho tôi sự phát triển não bộ, nhiều nghị lực, tiếng cười trong lúc sáng tác và những độc giả thông minh, đáng yêu.

– Anh suy nghĩ gì về thực trạng xã hội đang ‘‘bội thực thơ dở’” hiện nay?

Thơ ca là phương tiện biểu đạt phổ biến nên việc nhiều người muốn diễn tả bằng hình thức này là nhu cầu cơ bản. Nhưng thơ ca xuất sắc lại đòi hỏi trí tuệ xuất sắc, đó chỉ là xác suất nhỏ. Vậy nên thơ dở nhiều như hàng quán mọc đầy đường là bình thường, nhất là khi ai cũng dễ dàng có công cụ xuất bản là trang cá nhân hay việc in sách đã dễ dàng hơn xưa. Bên cạnh đó, thơ hay như những quán ăn ngon cũng không ít. Thơ là sự chắt lọc cái hay từ tâm hồn thành từ ngữ, thời nào cũng có người hay làm thơ để tăng tư duy nên lúc nào cũng sẽ xuất hiện những bài thơ tốt. Muốn đọc và học cách đọc thơ hay thì sẽ tìm và hiểu được các tác phẩm thơ ca hay.

– Sắp tới anh ra mắt tác phẩm gì?

Tôi đang hoàn thiện bản thảo cho tập thơ tình Em giấu gì ở trong lòng thế? phiên bản 3.0. Ngoài ra, tôi cũng muốn xuất bản một cuốn tập hợp những câu trả lời trên web mạng xã hội toàn cầu và một tập thơ viết những năm gần đây.

Nguồn: VnExpress

Bình luận về bài viết này