Nổi bật

Tuyển tập thơ về Tam Đảo đầy đủ nhất

Em về Tam Đảo
Tác giả: Nguyễn Lãm Thắng

Em về Tam Đảo sáng nay
Chuyến xe đi giữa màu mây ngoằn ngoèo
Dốc cao, xe chầm chậm leo
Nhìn quanh chỉ thấy là đèo dốc thôi

Bỗng nhiên mây biến tan rồi
Xe dừng trên đỉnh… tuyệt vời! đẹp chưa!
Ngập ngừng cái nắng ban trưa
Sáng lên với đám mây vừa bay qua

Nào sương nào khói la đà
Mắt em bỡ ngỡ như là trong mơ
Nắng xuyên qua lớp mây mờ
Núi đồi nghiêng xuống một bờ cỏ hoa

Nhà gần ấp ủ nhà xa
Nhấp nhô những chiếc nấm hoa lưng đồi
Su su mươn mướt xanh tươi
Thiên nhiên vẽ một khung trời biếc xanh

Em về Tam Đảo cùng anh
Nghe con suối chảy trên nhành mây bay.

Gửi em từ Tam Đảo

Tác giả: Cao La Tứ Hải

Hạ nồng Hà Nội nắng ran rang

Chợt gặp xuân xanh giữa non ngàn

Quen em chưa đủ trăng tròn khuyết

Anh lên Tam Đảo mùa mênh mang…

*

Buổi sáng rong chân tắm cỏ xuân

Hơi hạ ban trưa đất ấm dần

Lênh lang ngọn gió chiều thu trắng

Đêm lạ lòng ta hồn đông sang…

*

Ngày mới phết lên một nét màu

Mây trắng len bồng ô cửa sau

Có bóng ai xà sườn núi mộng?

Su su xanh mát, em nấp đâu?

*

Anh lặn bóng cây tìm tiếng hót

Rừng ngân phím lá tự tình ca

Kìa đóa trà vàng sương ngưng giọt

Làm cho cánh bướm ngẩn đường hoa

*

Nắng bạc trườn lên giát sườn đồi

Sương ngậm vòm mây cây chẳng trôi

Hơi ấm dâng tràn lòng thung khát

Mùa hè rạng rỡ, Tam Đảo ơi!

*

Ba đảo bồng bềnh giữa biển mây

Ngắm thế Tản Viên ba ngọn say

Sông Hồng kéo vệt dài mong nhớ

Biển Đông đón đợi ước mơ trai

*

Anh vốn là con đất miền bằng

Như con chim nhỏ miết đồng xanh

Trưa nay tung liệng trên non nắng

Say ngắm giang sơn biếc long lanh

*

Mỗi bước anh đi sáng ánh trời

Hồn vương đất lạ đá chơi vơi

Cánh cung Tam Đảo như niềm ước

Đón gió lạnh đông ấm cuộc đời

*

Em ạ, anh đang giữa ngày vui

Cứ ngỡ em là cỏ non tươi

Cỏ mềm níu đất đơm hoa núi

Núi thế vươn cao đón ánh trời!

Nhớ biển

Tác giả: Cao La Tứ Hải

Biển Nha Trang Hòn Chồng mong Hòn Vợ

Xanh mênh mông cơn gió hong diều

Bàng biển vươn mình bình minh lấm cát

Hoàng hôn vàng dịu mát bầu trăng

*

Ta đeo theo mặn nồng

Lên núi đá hóa đông

Gió hong giàn su su

Xanh mênh mông không biển

*

Nhớ về con là nỗi nhớ đầu tiên

Đo bằng nhịp à ơi

Bố nhiều lúc rất thèm được khóc

Như con khi vắng hơi người

*

Nhớ về em là nỗi nhớ không lời

Đếm bằng sương mai

Anh nhiều lúc rất thèm được hát

Khi em gánh mùa đông trên vai

*

Nhớ về biển là nỗi nhớ chơi vơi

Con mực ống rẽ trời ra khơi

Đĩa bay ở lại làm chiếc mủng

Như chiếc lá xoay giữa nước và đời

*

Nhớ về biển là nỗi nhớ con người

Ta vẫn gặp vẫn cười mặc ai yêu ai ghét

Ta bắt tay mặc ai ngoảnh mặt

Tim ai đông như núi đá mùa đông

*

Ta muốn tan ra như sóng bao la

Ta muốn hòa vào dòng sống thiết tha

Ta muốn làm một nhánh sông bồi đắp

Ta muốn là … ơi biển hãy ôm ta!

Tam Đảo, 12/2011

Đêm Tam Đảo
Tác giả: Phạm Ngọc Vĩnh

Đêm nay về Tam Đảo
Xe như lên đỉnh trời
Núi trèo qua cửa kính
Mây lần xuống ghế ngồi

Đêm nay về Tam Đảo
Thao thức quãng đường dài
Gió phủ bờ môi lạnh
Sương choàng khăn lưng đồi

Ánh điện như sao sa
Những tòa nhà yên lặng
Nhìn khói mây giăng giăng
Đêm đằm miền sương trắng

Rượu chưa kịp cạn ly
Men đã say lơi lả
Bồng bềnh mà êm ả
Nghiêng đất tời trung du trắng

Gửi Về Tam Đảo
Tác giả: Thuận Hữu

Buổi sáng em dắt anh lên thăm đền Bà Chúa
Tam Đảo mây bay trắng núi trắng rừng
Anh trở về xuôi em ở lại
áo trắng nhòa sương trắng rưng rưng
Ngày xưa ai chia tay nước mắt thành Thác Bạc
Để năm tháng Cầu Đá hóa Đợi Chờ
Em ở lại, anh gửi hồn ở lại
Em nhớ mang về thăm quê ngoại dùm anh
Anh cứ loay hoay như lạc giữa rừng xanh
Nhớ nhớ thương thương điệp trùng số phận
Anh trở về xuôi với phố phường nhộn nhịp
Vẫn ngỡ đâu đây tiếng gió Thượng Ngàn.

Mây Tam Đảo
Tác giả: Duy Thơm

Đi trong gió
Đùa trong mây
Mây giăng
Giăng trắng
Cỏ cây đất trời
Mờ mờ
Ảo ảo
Sương rơi
Mây treo lơ lửng
Mây trôi trước nhà
Mây vào cửa sổ tìm hoa
Mây lên giường ngủ
La đà cùng mây…
Mây vờn như tỉnh như say
Men nồng ngây ngất cùng ai giãi bày

Mây vơi rồi mây lại đầy
Thoáng ẩn, thoáng hiện
Lúc dày lúc thưa
Mây lùa trong nắng ban trưa
Mây dồn như thác
Như mưa kín trời

Dưới thung, mây ngược lên đồi
Mây hôn thác Bạc
Rong chơi Thạch Bàn
Mây từ Phù Nghĩa mây sang
Mây ôm Thiên Thị
Mây choàng ngàn thông
Mây quấn quýt, mây bềnh bồng
Lung linh huyền ảo
Một vùng trắng mơ
Trập trùng Tam Đảo hoang sơ
Như tranh thuỷ mặc
Vần thơ trữ tình

Chiều Tam Đảo
Tác giả: Phạm Dạ Thuỷ

Tam Đảo còn xanh
Chiều đã chín
Mây quấn chân người
Ta khói sương
Cách nhau ba bước
Đi không tới
Tảng đá đời ai
Chắn giữa đường.

Gió Tam Đảo
Tác giả: Lê Va

Quẫy đạp sông Hồng
những đàn trâu đứt mũi
những con bò động đực
lồng lên

Gió miết vào cửa kính
rít lên
tiếng nghiến răng
của người đàn bà đánh nghen
thập thồng mái tôn
bước chân kẻ ngoại tình thoát hiểm

Mừng thay
gió Tam Đảo
chỉ làm xanh cây

Ước gì nhịp đời
mạnh như gió Tam Đảo
và đừng làm đau ai

Tam Đảo
Tác giả: Phạm Dạ Thuỷ

Không thể không nghĩ đến
Con số 9
của một ngày trong tháng
một tháng trong năm
một năm trong đời

Tam Đảo
Sương đêm ấy không tan
Cái lạnh xoắn xuýt
Ký ức xanh

Quay quắt nhớ
Tưởng tượng để mà khát
Miền Trung nắng gió
Thèm một đêm sương ngũ sắc

Im lìm Tam Đảo cuối trời…

Tam Đảo
Tác giả: Tô Hoàn

Lên Tam Đảo gần trời không rát mặt
Núi thì nghiêng may gió chẳng vòng vèo
Lần xuống thác ơn ngọn nguồn trong vát
Vịn tay rừng thương cây đứng cheo leo.

Anh có về Vĩnh Phúc quê em
Tác giả: chưa rõ

Anh có về với miền đất quê em
Để dạo bước trong làn sương mờ ảo
Trời đất tỏa hương mát lành Tam Đảo
Cho tâm hồn bát ngát những màu xanh

Hãy về đây, thăm làng gốm Hương Canh
Để rồi sẽ một lần anh được biết
Những vẻ đẹp của tâm hồn người Việt
Thấm đẫm trong từng đường nét hoa văn

Về nhé anh, tìm lại giữa đại ngàn
Hồ Xạ Hương – nàng tiên đang say giấc
Rừng thông xanh êm đềm ru khúc hát
Cho bốn mùa, hồ chẳng phút cạn vơi

Về nơi này, cho ta thấy thảnh thơi
Dưới chân tháp Bình Sơn – miền cổ tích
Nét cố kính bước ra từ ký ức
Như chưa từng phai dấu trước thời gian

Hay về thăm hồ Điển Triệt, nhé anh
Cùng khám phá vẻ thiên nhiên kỳ thú
Lặng lẽ nghe tiếng vọng từ lịch sử
Kể anh nghe chiến công của quê hương

Em đưa anh tìm tới với đầm Rưng
Theo làn gió mênh mang sóng nước
Cùng chân trần dạo chơi trên triền cát
Đón hương sen thơm ngát đến say lòng

Còn một điều đặc biệt anh biết không?
Nét gần gũi, và cũng thân thương nhất
Là tấm lòng của con người Vĩnh Phúc
Luôn dang tay chờ đón bước anh về.

Chiều Tam Đảo
Tác giả: chưa rõ

Mượn gió vẽ mây giữa cổng trời
Tam Đảo chiều hạ thực cảnh tiên
Sương khói giăng giăng dòng thác bạc
Nhà thờ đá cổ, áo rêu phong

Giọt nắng lung linh rơi tí tách
Nhỏ lên từng bậc lối đi vào
Đền tranh ngói đỏ, ngàn mây trắng
Huyền ảo linh thiêng, chúa thượng ngàn.

Đủng đỉnh men theo hành lang nhỏ
Mây bò lổm nhổm quyện gót hồng
Sơn nữ mê say quên bện tóc
Gió se se lạnh búng má đào

Một thoáng dừng chân nơi Tam Đảo
Mặc hồn quấn quýt với cỏ cây
Lẩn thẩn mê say về chẳng kịp
Để hình quên bóng, nhớ trời mây

Vĩnh Phúc hồn thơ
Tác giả: chưa rõ

Ai về Vĩnh Phúc hồn thơ
Để nghe gió thổi mộng mơ dạt dào
Lời ru của mẹ thanh cao
Bên tai giấc ngủ, đưa vào đường thi

Ai về giữa độ xuân thì
Bình Sơn tòa tháp uy nghi đón mời
Nắng hòa diều sáo buông lơi
Bầy chim én lượn khắp nơi tỏ tình

Ai về đón ánh bình minh
Ngắm nhìn Tam Đảo quê mình đẹp thay
Đồi thông khỏa lấp sương dày
Bồng lai tiên cảnh bấy nay xứng tầm

Ai về Thiền Viện Trúc Lâm
Cầu kinh, niệm Phật để tâm nhẹ nhàng
Hướng về một cõi thênh thang
Tây Thiên ngự trị, lòng càng bớt âu

Ai về Đại Lải hôm đầu
Du thuyền vãng cảnh hồ sâu trong ngần
Đắm lòng chẳng nỡ rời chân
Đi rồi lại ước có lần thứ hai

Trải qua những chặng đường dài
Bây giờ Vĩnh Phúc xứng vai bạn bè
Thi đường tôi nói bạn nghe
Khắp nơi bằng hữu tựu về chung vui.

Tam Đảo
Tác giả: Trịnh Bửu Hoài

Mây mắc võng trời hư ảo
Non cao ai thắp lửa chiều
Loanh quanh phố đồi Tam Đảo
Ta và sương trắng quạnh hiu

Dùng dằng Tam Đảo
Tác giả: Nguyễn Lãm Thắng

Vịn mây mà bước lên chiều
Tình như là cỏ nói điều biếc xanh
Con đường nho nhỏ vòng quanh
Dắt tôi ngược dốc gập ghềnh mù sương

Tình em làm rối con đường
Bóng cây dấu một lời thương lặng thầm
Cuối chiều Tam Đảo xa xăm
Hình như ánh mắt lá răm… mơ màng.

Đêm nghe Dạ cổ hoài lang trên Tam Đảo
Tác giả: Trịnh Bửu Hoài

Tiếng đàn
Rung nhẹ trong sương
Tiếng ca
Ai luyến
Để thương nhớ thầm
Tiếng sương
Rơi bổng
Rơi trầm
Người mang
Dạ cổ hoài lang
Tặng người

Nhớ thời mở đất
Cuối trời
Gánh quê
Nặng
Một vai đời lưu dân
Lời ca
Mang nắng phương Nam
Thắp đêm Tam Đảo
Bóng trăng đồng bằng

Non cao
Vướng một tiếng đàn
Đủ thương
Đủ nhớ
Đến ngàn năm sau
Đêm nay
Sương ửng má đào
Cho bài Dạ cổ
Thành câu ru người

Tam đảo
Tác giả: Vương Trọng

Say giấc suối ru, bừng dậy muộn
Mây tránh cho ta xếp lại màn
Rộng cửa nhìn ra lòng hốt hoảng:
Chắc gì còn ở chốn trần gian?

Lần hạt bồ đề, leo từng bậc
Nguyện lời kinh kệ, ngắn đường lên
Tới đỉnh vắng chùa, không dáng Phật
May mà còn gặp nụ cười em.

Lên rừng, hồn nhập Phật
Mây trắng bạc đầu xanh
Xuống phố thân hoàn tục
Trưởng lão cũng là anh!

Nhớ Tam Đảo
Tác giả: Thuận Hữu

Ta quen nhau giữa một chiều Tam Đảo
Rồi xa nhau
Em cũng xa luôn Tam Đảo
Có ai ngờ
Khắp mọi ngã đời sương trắng ngẩn ngơ
Anh về giữa miền Trung sóng biển
Trong giấc mơ thảng thốt gió đại ngàn
Thoáng áo em bay giữa chiều Thác Bạc
Tỉnh giấc rồi đêm tối ngổn ngang
Ước một lần trở về Tam Đảo
Lại gặp em giữa cầu đá Đợi Chờ
Lại dắt tay nhau lên thăm đềnBà Chúa
Lại hẹn hò dưới dêm lạnh như xưa
Cách trở quá biết bao giờ gặp lại
Cầu đá xưa chắc chẳng đợi chờ ta
Miền quê ngoại đồi chè rừng cọ
Cứ xa dần theo những tháng năm xa…

Tặng Em
Tác giả: Yên Hà

Anh xin gởi tặng em
một chút sương Tam Đảo
Anh xin gởi tặng em
một chút gió miền cao
Anh xin gởi tặng em
trời Điện Biên hoa ban nỡ trắng
và cả biển mây
Sa Pa huyền ảo
Trên dãy Hoàng Liên Sơn
Anh vẫn nghe rì rào
tiếng sóng biển quê ta
dạt dào khúc tình ca
Nơi “cổng trời” anh qua
lời người xưa đâu đây vọng tới
Bồi hồi lòng ta
bát ngát hương hoa
Nhạc hùng thiêng trào dâng rừng cây
Dốc núi cao lượn quanh ngàn mây
vấn vương ai lờ lững
lờ lững bay trong chiều
Anh muốn ôm cả rừng núi
vào câu hát gởi tặng em
Để cùng nghe
con tim ta trỗi nhịp tình yêu

Lên Tam Đảo
Tác giả: Trần Nhương

Cùng em lên Tam Đảo chiều nay
Phố phường lùi mãi phía sau cây
Để lại bon chen cùng tất bật
Lên đây hoà nhập gió cùng mây.

Mười một dặm đèo cua gấp gấp
Tai vù đầu váng tưởng đang say
Em cười nhí nhảnh qua gương kính
Định vớt trăng vào trong búp tay

Mười một dặm đèo lên chót vót
Mùa thu xịch đến lúc đang hè
Em thơm như thể sau khi tắm
Sương khói giăng mùng bỏ thuốc mê

Mười một dặm đèo lên tới đỉnh
Ngờ đâu Tam Đảo cũng thường thôi!
Ở cao xa thế, gần ra thấp
Với núi hình như cũng giống người…!

Mây ngang Tam Đảo
Tác giả: Nguyễn Ngọc Bái

Tưởng chừng trời đất nhẹ tênh
Mây ngang Tam Đảo bồng bềnh về đâu?
Nắng dưới chân gió trên đầu
Còn em đằm thắm giữa màu thông xanh
Đền thiêng em dắt tay anh
Cầu cho mình sống yên lành vì nhau
Núi vừa cao núi vừa sâu
Vầng mây như thể nhịp cầu chung chiêng
Tiếng chim tự bói chuyện riêng
Bói hoa bói quả xem thiêng chừng nào
Quanh quanh Tam Đảo nghiêng chào
Tiếng chuông nhè nhẹ thỉnh vào thinh không

Có về Tam Đảo với em
Tác giả: Trần Trọng Tâm

Về đây Tam Đảo với em
Ta leo dốc núi, ta len mây trời
Khói sương huyền ảo chơi vơi
“Đà Lạt xứ Bắc” tuyệt vời đó anh…

Tạm xa ồn ã thị thành
Cùng em làm cuộc du hành thi ca
Đến nơi ba ngọn núi xa
Người xưa đã ví “mái nhà ngàn xưa”…

Một ngày mang cả bốn mùa
Se se buổi sáng như vừa sang xuân
Sợi mây trưa hạ mảnh dần
Thu chiều bỗng đến… tần ngần lá rơi!
Thềm đông mờ ảo trăng soi…
Ôi!
“Ba Hòn Đảo”
… mây trôi đại ngàn…
Như là linh khí nước Nam
Ứng vào Thác Bạc, trời ban tặng người
Thông giăng trùng điệp lưng trời
Chim kêu, vượn hót níu người khách xa
Tứ thơ chợt đến… ngân… nga…
Bên ô cửa sổ ngát hoa hải đường
Cho người Thi sĩ vấn vương
Hồn thơ, hồn nhạc lẫn sương khói mờ…!

Một ngày Tam Đảo như mơ
Bồng Lai Tiên Cảnh… vẫn chờ Thi Nhân…

Tam Đảo một ngày hè
Tác giả: Phạm Đạo

Đường lên Tam Đảo sớm nay
Đồng xanh ngăn ngắt cò bay nhịp nhàng
Đuôi Rồng, dốc Láp, chùa Hang
Mây lưng chừng núi, rộn ràng thông reo
Quanh co, khúc khuỷu cheo leo
Líu lo chim hót, bướm theo bạn tình
Non xanh, núi biếc lung linh
Xa xa thác Bạc uốn mình hát ca
Muôn vàn màu sắc trộn pha
Thị trấn đẹp tựa lẵng hoa lưng trời
Chìm trong không khí tuyệt vời
Giữa hè nóng bức nói lời mùa thu
Mênh mông trời đất Trung du
Bồng bềnh tiên cảnh, thực hư trong lòng

Tam Đảo ngày mưa
Tác giả: Nguyễn Đức Mậu

Anh lên Tam Đảo ngày mưa
mưa giăng bốn ngả từ trưa sang chiều

Cây rừng tóc rối liêu xiêu
dầm dề mưa đổ qua chiều sang đêm

Mái trời nước xối nhiều thêm
ầm ào mưa trút tràn đêm, lở ngày

Đèn đường vài giọt lắt lay
xa em đã kín ba ngày mưa rơi

Ba ngày hết đứng trông trời
lại ngồi vơ vẩn vẽ vời vu vơ

Chữ bao nhiêu chẳng thành thơ
dường như trang giấy cũng mờ mưa bay

Mưa nhờn nhợt cả bàn tay
phập phồng cơn gió cuốn nây vào phòng

Anh lên Tam Đảo ngày không
mưa rừng mưa phố, mưa lồng trong mưa

Không đề
Tác giả: chưa rõ

Mình lên Tam Đảo một mình
Bồng bềnh mây núi, trùng trình suối reo
Lén mang ánh mắt mình theo
Xoè tay chỉ thấy nỗi đèo sương giăng…

Tam Đảo hoài cổ
Tác giả: Chiêu Dương

Trông lên Tam Đảo lẫn trời mây,
Ba ngọn lô nhô vẫn rãi bầy.
Khói toả chùa Đồng khi ẩn hiện,
Nước reo suối Bạc lúc vơi đầy.
Lâu đài phá huỷ trơ nền móng,
Lăng miếu hoang tàn rợp cỏ cây.
Danh thắng Phong Châu nay thế thế,
Chạnh niềm lối cũ dạ khôn khuây.

Thu Tam Đảo
Tác giả: Đào Vĩnh

Phố chẳng cần tên, nhà quên số
Còn mải ngược xuôi dốc uốn vòng
Khu I, II, III…. rồi Tam Đảo
Không vậy sao còn đủ Châu Phong

Không thế mùa hè nhiều mắc nợ
Lưng trần nhẫn nại thở mồ hôi
Riêng chi vương vấn thu dìu dịu
Mây trắng cồn lên bước chân người

Đâu cũng chập chờn cung bậc gió
Thoáng chểnh mảng xa, thoáng ôm chầm
Ngàn nắng lọc qua ngàn xanh lá
Xoải một vàng mơ dọc triền thung

Nhà cũ thời gian mờ dấu ấn
Cửa ô nhà mới lặng bốn bề
Mắt em thăm thẳm như rừng núi
Tôi xa, Tam Đảo có theo về?

Từ am mây Tam Đảo
Tác giả: Nguyễn Vũ Tiềm

Chót vót thảo am, mây trắng trụ trì
tinh tú miệt mài viết kinh Pháp Cú
trên trang trời xanh
dưới lưng đèo vầng trăng non xuống tóc
núi triệu năm làm chú tiểu dâng trà…

Những hang động đâu đây tiền nguyên thuỷ
làng bản xa mờ như những mảng rêu
bám vào đất đai vạn thuở
nồm bấc heo may ấm lạnh tình người

Tiếng còi báo động từ thế kỷ trước
vọng đến đây đời đã yên bình
sương núi bềnh bồng nhang khói
khí thần kinh kệ tụ tan…

Vầng cao xanh tịnh độ
xanh vào từng cây cỏ cứu sinh
cái ác thực thi đâu đó
vọng đến đây đã hướng thiện xong rồi

Duy một chuyện không đổi theo thời gian, không gian
khiến cuộc đời lung linh một vẻ đẹp huyền diệu:
tình người trong cõi nhân gian

Vịnh Tam Đảo
Tác giả: Thiên Thê

Hoá công khéo tạc cảnh xinh xinh,
Tam Đảo non cao lắm vẻ tình.
Nước lẩn màu mây vàng lộn biếc,
Đá chen sắc cỏ trắng pha xanh.
Tượng đồng lăn lóc, chùa rêu phủ,
Suối bạc lững lờ bóng nguyệt chênh.
Càng ngắm nước non càng súc cảnh,
Khôn đem thần bút vẽ nên tranh.

Gãy nhịp Cầu Mây…
Tác giả: Từ Nguyễn

Lá lay chi một chữ yêu
Mà đau mấy kiếp, mà nhiều đắng cay?
Tim buồn giấu chút tình phai
Người xưa, chốn cũ…như hoài cợt trêu
Tình không là nắng đốt thiêu
Mà sao rợn ngợp mấy chiều hạ nay?
Cũng thà là áng mây bay
Cũng thà là ngọn gió lay thoảng rèm
Đã không anh, cũng không em
Thì thôi thương nhớ để làm chi đây?
Bàn tay lại hững hờ tay
Đôi bờ cách nhịp cầu mây gãy rời…

Cầu Mây
Tác giả: chưa rõ

Người lên Tam Đảo mây trời
Người nơi quê cũ rực ngời Nà Phiêng
Phím mây áng tóc nàng tiên
Ngẩng nhìn đã thấy ảo huyền choàng vai…

Tự tình với quê hương
Tác giả: Lê Gia Hoài

Với quê hương Vĩnh Phúc thân yêu!

Quê hương ơi! Yêu dấu tự ngàn đời
Đẹp từ lúc trong nôi lời mẹ hát
Bến đò xưa dòng Lô giang ào ạt
Con nước đôi bờ thắm vị phù sa.

Tuổi thơ con đẹp tựa một bài ca
Ngọn Tam Đảo reo âm vang hùng vĩ
Tháp Bình Sơn vững vàng bao thế kỉ
Đứng mặc trầm như đá tạc vào thơ.

Con lớn lên theo từng trang sách vở
Thầy dạy cho biết yêu tiếng quê mình
Thơ Xuân Hương ấm mãi vành môi xinh
Con thuộc nằm lòng như mẹ thuộc lời ru.

Tổ quốc gọi con bước vào quân ngũ
Khoác trên mình màu áo lính thân thương
Đêm đứng gác sao lòng thấy vấn vương
Nhớ Đồng Đậu, nhớ Tây Thiên vời vợi.

Vĩnh Phúc ơi! Lòng con luôn mong đợi
Được trở về với làng gốm Hương Canh
Được trở về với Đại Lải mát xanh
Để được yêu thêm mảnh đất biếc quê mình.

Tây Thiên Ký
Tác giả: GiaLongHp

Trập trùng đồi núi Tây Thiên
Theo em tôi đến đây miền bồng lai .

Nơi thờ Mẫu buổi sớm mai
Chim ca ,suối hát … đàn ai rộn ràng
Chuông chùa hòa quyện khói nhang
Mênh mông là những sắc vàng cỏ hoa .
Vịn theo câu Á di đà
Tôi – Em dâng lễ đền xa chùa gần
Cầu an cho những người thân
Hanh thông mọi việc ,nợ nần thì không
Bền lâu đẹp mối tình nồng
Tiền nhiều,bạc lắm , con đông,cháu đàn
Bạn bè tình nghĩa chứa chan
Thân nhàn đời được bình an ,đủ đầy .

Tây Thiên – Tôi đã đến đây
sơn kỳ thủy tú… Chùa xây lưng trời
Linh thiêng hùng vĩ rạng ngời
Bồng lai tiên cảnh – Tuyệt vời nước Nam !

Bức tranh Tam Đảo
Tác giả: Nguyễn Đức Hạnh

Em ẩn hiện một nỗi buồn Tam Đảo
Nắng Tây Thiên ru ngủ gốc thông già
Ngày trễ nải bên những tầng xiêm áo
Mây thờ ơ trôi nổi bước trần gian

Hoa bung biêng chấp chới phía đại ngàn
Em đã hẹn lòng ta từ cổ tích
Cỏ vẫn biếc cho hoàng hôn yên tĩnh
Một cánh chuồn mỏng mảnh cuối vườn xưa

Rồi bất ngờ Tam Đảo một chiều mưa
Đôi mắt ướt đẹp như mùa thổ cẩm
Hương cỏ dại thấm tận hồn sâu thẳm
Bóng mi dài ai tạc khúc tình ca

Lối quanh co bờ dốc dựng trầm tư
Em vẫn đấy sao mà hư ảnh mãi
Trong thấp thoáng nghi hồ khi ngoảnh lại
Tự bao giờ nghe gió thổi chia xa.

Thi ca Việt

Nổi bật

Thơ hay về Tam Đảo

Đọc thêm về thơ Việt tuyển chọn hay nhất tại đây

Em về Tam Đảo

Em về Tam Đảo sáng nay
Chuyến xe đi giữa màu mây ngoằn ngoèo
Dốc cao, xe chầm chậm leo
Nhìn quanh chỉ thấy là đèo dốc thôi

Bỗng nhiên mây biến tan rồi
Xe dừng trên đỉnh… tuyệt vời! đẹp chưa!
Ngập ngừng cái nắng ban trưa
Sáng lên với đám mây vừa bay qua

Nào sương nào khói la đà
Mắt em bỡ ngỡ như là trong mơ
Nắng xuyên qua lớp mây mờ
Núi đồi nghiêng xuống một bờ cỏ hoa

Nhà gần ấp ủ nhà xa
Nhấp nhô những chiếc nấm hoa lưng đồi
Su su mươn mướt xanh tươi
Thiên nhiên vẽ một khung trời biếc xanh

Em về Tam Đảo cùng anh
Nghe con suối chảy trên nhành mây bay.

Nguyễn Lãm Thắng

Chiều Tam Đảo

Mượn gió vẽ mây giữa cổng trời
Tam Đảo chiều hạ thực cảnh tiên
Sương khói giăng giăng dòng thác bạc
Nhà thờ đá cổ, áo rêu phong

Giọt nắng lung linh rơi tí tách
Nhỏ lên từng bậc lối đi vào
Đền tranh ngói đỏ, ngàn mây trắng
Huyền ảo linh thiêng, chúa thượng ngàn.

Đủng đỉnh men theo hành lang nhỏ
Mây bò lổm nhổm quyện gót hồng
Sơn nữ mê say quên bện tóc
Gió se se lạnh búng má đào

Một thoáng dừng chân nơi Tam Đảo
Mặc hồn quấn quýt với cỏ cây
Lẩn thẩn mê say về chẳng kịp
Để hình quên bóng, nhớ trời mây

Tony Pham, 31/8/17

Có về Tam Đảo với em?

Về đây Tam Đảo với em
Ta leo dốc núi, ta len mây trời
Khói sương huyền ảo chơi vơi
“Đà Lạt xứ Bắc” tuyệt vời đó anh…

Tạm xa ồn ã thị thành
Cùng em làm cuộc du hành thi ca
Đến nơi ba ngọn núi xa
Người xưa đã ví “mái nhà ngàn xưa”…

Một ngày mang cả bốn mùa
Se se buổi sáng như vừa sang xuân
Sợi mây trưa hạ mảnh dần
Thu chiều bỗng đến… tần ngần lá rơi!
Thềm đông mờ ảo trăng soi…
Ôi!
“Ba Hòn Đảo”
… mây trôi đại ngàn…
Như là linh khí nước Nam
Ứng vào Thác Bạc, trời ban tặng người
Thông giăng trùng điệp lưng trời
Chim kêu, vượn hót níu người khách xa
Tứ thơ chợt đến… ngân… nga…
Bên ô cửa sổ ngát hoa hải đường
Cho người Thi sĩ vấn vương
Hồn thơ, hồn nhạc lẫn sương khói mờ…!

Một ngày Tam Đảo như mơ
Bồng Lai Tiên Cảnh… vẫn chờ Thi Nhân…

Trần Trọng Tâm (24/06/2013) 

Chùm thơ tình Tam Đảo (TÀY – VIỆT – NGA)

I. Bản tiếng Tày:

Gần mừa Tam Đảo mươi bân    
Gần đeo bản cáu rủng ngần Nà Phiêng
Pướng phjôm đàn moóc a sliên
Tẳng tha hăn nội mjửt miền gản thâng…

Bản tiếng Việt:    

Người lên Tam Đảo mây trời
Người nơi quê cũ rực ngời Nà Phiêng
Phím mây áng tóc nàng tiên
Ngẩng nhìn đã thấy ảo huyền choàng vai…

Bản dịch nghĩa của tác giả sang tiếng Nga:

Я поднимался на туманную гору Там Дао
Ты осталась в ярком родимом крае На Фиенг
Туманная клавиша как  нежные волосы небожительницы
Только поднял голову и чувствовал мираж  на плече …

II. Bản tiếng Tày:

Hây mừa Tam Đảo gần đeo
D’ẩp d’oàng mươi moóc, d’ủp d’ièo khuổi sli
Lẳc thư ăn nậu mằn ki
Khay pha mừng: Toọi hăn rì keng mươi…

Bản tiếng Việt:

Mình lên Tam Đảo một mình
Bồng bềnh mây núi, trùng trình  suối reo
Lén mang ánh mắt mình theo
Xoè tay chỉ thấy nỗi đèo sương giăng…

Bản dịch nghĩa của tác giả sang tiếng Nga:    

Только один я поднимался на гору Там Дао
Качались облака и в нерешительности ручей пел
Тайком носил c собой твои прекрасные глаза
Раскрывал руку и  чувствовал только переживания туманного перевала…

III. Bản tiếng Tày:

Bản rà Nà Pẳng têm hai
Bại slì slíp hả mảc lai miểu màu
Nà Phiêng d’úp d’ưởng pàn khau
Pướng đeo ội slúc lủng làu hom quây…

Bản tiếng Việt:

Bản mình Nà Pẳng đầy trăng
Nhất là những dịp mùa rằm chơi vơi
Nà Phiêng e ấp bên đồi
Một vầng ổi chín thơm hoài tuổi thơ…

Bản dịch nghĩa của tác giả sang tiếng Nga:

У нашего села На Панг полная луна
Особенно когда наступают затерявшиеся полнолуния
На Фиенг у холма смущается
Аромат спелой гуайявы  приятно пахнет с детства …

IV. Bản tiếng Tày:

Nậu khua slao, ốt đâư thông
Khửn khau pjói khảu vạ luông quảng roàng
Khay thông, rối nỏ… pjấu chang
Khẻo đây nậu bjoóc mà tang lương p’jòi…

Bản tiếng Việt:

Nụ cười em, nhốt cặp rồi
Để lên núi thả vào trời mênh mông
Chao ôi, mở cặp: Rỗng không
Cũng may lại thấy một bông hoa vàng…

Bản dịch nghĩa của tác giả sang tiếng Nga:

Твою улыбку я уже держал в портфеле
И на горе буду выпускать её в бескрайнее небо
Ах, открываю портфель и была пустота
Ещё везение … там  лежит жёлтый цветочек

Triệu Lam Châu

Nhớ Tam Đảo

Ta quen nhau giữa một chiều Tam Đảo
Rồi xa nhau
Em cũng xa luôn Tam Đảo
Có ai ngờ
Khắp mọi ngã đời sương trắng ngẩn ngơ
Anh về giữa miền Trung sóng biển
Trong giấc mơ thảng thốt gió đại ngàn
Thoáng áo em bay giữa chiều Thác Bạc
Tỉnh giấc rồi đêm tối ngổn ngang
Ước một lần trở về Tam Đảo
Lại gặp em giữa cầu đá Đợi Chờ
Lại dắt tay nhau lên thăm đềnBà Chúa
Lại hẹn hò dưới dêm lạnh như xưa
Cách trở quá biết bao giờ gặp lại
Cầu đá xưa chắc chẳng đợi chờ ta
Miền quê ngoại đồi chè rừng cọ
Cứ xa dần theo những tháng năm xa…

Thuận Hữu

Gửi em từ Tam Đảo

Hạ nồng Hà Nội nắng ran rang

Chợt gặp xuân xanh giữa non ngàn

Quen em chưa đủ trăng tròn khuyết

Anh lên Tam Đảo mùa mênh mang…

*

Buổi sáng rong chân tắm cỏ xuân

Hơi hạ ban trưa đất ấm dần

Lênh lang ngọn gió chiều thu trắng

Đêm lạ lòng ta hồn đông sang…

*

Ngày mới phết lên một nét màu

Mây trắng len bồng ô cửa sau

Có bóng ai xà sườn núi mộng?

Su su xanh mát, em nấp đâu?

*

Anh lặn bóng cây tìm tiếng hót

Rừng ngân phím lá tự tình ca

Kìa đóa trà vàng sương ngưng giọt

Làm cho cánh bướm ngẩn đường hoa

*

Nắng bạc trườn lên giát sườn đồi

Sương ngậm vòm mây cây chẳng trôi

Hơi ấm dâng tràn lòng thung khát

Mùa hè rạng rỡ, Tam Đảo ơi!

*

Ba đảo bồng bềnh giữa biển mây

Ngắm thế Tản Viên ba ngọn say

Sông Hồng kéo vệt dài mong nhớ

Biển Đông đón đợi ước mơ trai

*

Anh vốn là con đất miền bằng

Như con chim nhỏ miết đồng xanh

Trưa nay tung liệng trên non nắng

Say ngắm giang sơn biếc long lanh

*

Mỗi bước anh đi sáng ánh trời

Hồn vương đất lạ đá chơi vơi

Cánh cung Tam Đảo như niềm ước

Đón gió lạnh đông ấm cuộc đời

*

Em ạ, anh đang giữa ngày vui

Cứ ngỡ em là cỏ non tươi

Cỏ mềm níu đất đơm hoa núi

Núi thế vươn cao đón ánh trời!

Cao La Tứ Hải (6/2002)

Xem thêm

Đọc thêm về thơ Việt tuyển chọn hay nhất tại đây

Thơ Văn Cao

Văn Cao (15/11/1923 – 10/7/1995) là một nhạc sĩ tài hoa, tác giả bài Tiến quân ca được chọn là quốc ca của Việt Nam. Ông còn là một thi sĩ và hoạ sĩ. Nhạc ông có thơ và họa. Thơ ông có nhạc và họa. Thật hài hòa!

Ông tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh tại phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, quê quán thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, mất ở Hà Nội. Ông xuất thân trong một gia đình viên chức nghèo, cha mất sớm, sống với mẹ và anh ruột tại một khu lao động nghèo cạnh bờ sông Hải Phòng. Về đường học vấn, ông chỉ học đến năm thứ 2 bậc thành chung thì phải ra đời mưu sinh bằng nhiều nghề.

Năm 1938-1941, ông cộng tác với nhóm Đồng Vọng, sáng tác vài bài hát hướng đạo vui tươi như Anh em khá cầm tayGió núi. Bài Buồn tàn thu là tác phẩm đầu tay, được ông sáng tác năm 1939 khi mới 16 tuổi. Năm 1941-1942, ông từ giã Hải Phòng lên Hà Nội sống đời nghệ sĩ, thời gian này ông sáng tác được nhiều nhạc phẩm giá trị vượt thời gian như Thu cô liêuĐêm xuânSuối mơBến xuân (sau đặt lời khác lấy tên là Đàn chim Việt), Trương ChiThiên Thai. Năm 1942, Văn Cao lên Hà Nội học dự thính hội hoạ tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tranh của ông được đánh giá cao, nhất là bức Cuộc khiêu vũ những người tự tử.

Năm 1943-1944, ông tham gia Mặt trận Việt Minh hoạt động bí mật ở nội thành. Thời gian này ông soạn ca khúc Tiến quân ca, từ năm 1946 trở thành bài quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, và sau này là quốc ca của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 19-8-1945, ông chỉ huy dàn nhạc hát bài Tiến quân ca công khai tại Nhà hát lớn Hà Nội trước cuộc biểu tình của toàn dân giành chính quyền từ tay quân Nhật và chính phủ Trần Trọng Kim. Năm 1949 ông được lệnh viết bản Lãnh tụ ca, nhưng bản này ít được nhắc đến (kể cả từ phía chính quyền Việt Nam hiện nay).

Năm 1956-1957, ông có liên quan đến vụ Nhân văn – Giai phẩm nên ngừng bút một thời gian. Các tác phẩm nổi tiếng của ông đều sáng tác trước thời kì này. Lúc ấy Xuân Diệu phê phán ông là “con người phản phúc hai mặt, giả dối như con mèo, là một phù thuỷ toan dùng âm binh chọi nhau với Đảng”. Trừ bài quốc ca ra, ở miền Bắc nhạc của ông không được hát, thơ của ông không được in.

Sau sự kiện 30-4-1975, Văn Cao sáng tác ca khúc Mùa xuân đầu tiên vào dịp Tết Bính Thìn, dạt dào cảm xúc vì đất nước thống nhất. Cuối năm 1976, Mùa xuân đầu tiên được in trên báo Sài Gòn Giải phóng. Năm 1977 bài hát Mùa xuân đầu tiên đã được dịch và in ở Nga. Song đến năm 1996 bài hát mới được dàn dựng và phát sóng. Năm 1981, Việt Nam phát động phong trào cả nước thi sáng tác quốc ca nhưng không công bố kết quả, cuộc thi cũng không được nhắc tới nữa. Bài Tiến quân ca sau đó vẫn là quốc ca của Việt Nam. Giai đoạn đổi mới, sáng tác của ông mới được biểu diễn, phát hành. Thời kỳ này ca sĩ Ánh Tuyết đã thành danh với nhạc Văn Cao.

Các tác phẩm thơ:
–  (thơ, NXB Tác phẩm mới, 1988)
– Tuyển tập Văn Cao (thơ, NXB Văn học, 1994)
– Tác phẩm thơ Văn Cao (NXB Hội nhà văn, 2013)

Tiến quân ca

1.
Đoàn quân Việt Nam đi
Chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca.
Đường vinh quang xây xác quân thù,
Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu.
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
Tiến mau ra sa trường,
Tiến lên, cùng tiến lên.
Nước non Việt Nam ta vững bền.

2.
Đoàn quân Việt Nam đi
Sao vàng phấp phới
Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than
Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới,
Đứng đều lên gông xích ta đập tan.
Từ bao lâu ta nuốt căm hờn,
Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn.
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
Tiến mau ra sa trường,
Tiến lên, cùng tiến lên.
Nước non Việt Nam ta vững bền.

10-1944

Bài ca này được sử dụng làm quốc ca của Việt Nam, thông qua tại Quốc hội khoá I năm 1945, cùng lúc thông qua Quốc kỳ. Trước đó, bài hát đã được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Mùa đông năm 1944, Văn Cao gặp Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh, ở ga Hàng Cỏ. Vũ Quý là người từng quen biết Văn Cao và đã động viên ông viết những bài hát yêu nước như Đống ĐaThăng Long hành khúc ca… Vũ Quý đề nghị Văn Cao thoát ly hoạt động cách mạng, và nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một bài hành khúc cho đội quân Việt Minh. Văn Cao viết bài hát này trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền.

Về ca khúc, Văn Cao nói rằng, tên bài hát và lời ca của nó là một sự tiếp tục từ ca khúc Thăng Long hành khúc ca trước đó: “Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng” và bài Đống Đa“Tiến quân hành khúc ca, thét vang rừng núi xa”… Và ông đã rút lại những ca từ trong bài hát đó thành Tiến quân ca. Phần ca từ trong bài hát ở thời điểm mới ra đời có nhiều khác biệt so với sau này, câu đầu ban đầu là “Đoàn quân Việt Minh đi”, câu thứ 6 của bài hát ở phiên bản đầu là “Thề phanh thây uống máu quân thù” thể hiện sự căm phẫn, đau đớn của Văn Cao trước sự tàn bạo của thực dân Pháp và trước nạn đói đang xảy ra, về sau được nhiều người góp ý, tác giả đã sửa. Câu kết “Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là nơi đây ước nguyền!” được Văn Cao sửa thành “(…) Núi sông Việt Nam ta vững bền”, nhưng đến khi xuất bản thành Quốc ca, ai đó đã sửa thành “(…) Nước non Việt Nam ta vững bền”, việc này, theo Văn Cao, “Với một ca khúc đòi hỏi trang nghiêm, chữ nước non hát lên bị yếu. Chữ núi sông hát khoẻ và hùng tráng.”

Nguồn: Bài Tiến quân ca, hồi ký Văn Cao, Tạp chí Sông Hương, số 26, tháng 7-1987

Thời gian

Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn.

Riêng những câu thơ còn xanh
Riêng những bài hát còn xanh
Và đôi mắt em như hai giếng nước.

Xuân Đinh Mão, 2-1987
Nguồn: Nhạc sĩ Văn Cao, tài năng và nhân cách, Bích Thuận, NXB Thanh Niên, 2007, tr. 234

Trôi

Tôi thả con thuyền giấy
con thuyền giấy trôi.

Tôi thả một bông hoa
bông hoa trôi.

Tôi thả một chiếc lá
chiếc lá trôi.

Tôi giữ chặt em
em vẫn trôi…

Một đêm đàn lạnh trên sông Huế

Nẩy nẩy tơ đồng nhịp nhịp đôi
Lòng nâng ngòn ngọt lại đầu môi
Này em hát khúc tương tư nhé
Ngâm khẽ em ơi nhẹ nhẹ lời

Sao đàn u hoài gì mùa thu?
Sao đàn u hoài gì mùa thu?
Tri âm nghe thử dây đồng vọng
Lạc lõng đêm vàng khi nhạc ru

Như Tử Kỳ nghe nhạc Bá Nha
Em nghe anh dạo khúc thu xa
Thuyền xuôi về bến mô thuyền bỉ
Sông trắng bờ xa lộ bóng nhà

Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi
Từng canh trời điểm một sao rơi
Tà tà trăng lặn hiu hiu gió
Ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi

Tay nhấn tơ chùng đã ngấm sương
Hò ngân cung Bắc lướt cung Thương
Dòng Tiêu Kim Thuỷ gà xao xác
Ngẩng thấy kinh kỳ khói vấn vương

Em cạn lời thôi anh dứt nhạc
Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh
Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh

Nguồn: Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004

Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc

I
Ngã tư nghiêng nghiêng đốm lửa
Chập chờn ảo hoá tà ma…
Đôi giẫy hồng lâu cửa mở phấn sa
Rũ rượi tóc những hình hài địa ngục
Lạnh ngắt tiếng ca nhi phách giục;
Tình tang não nuột khóc đàn sương
Áo thế-hoa rũ rượi lượn đêm trường
Từng mỹ-thể rạc hơi đèn phù thế.
Ta đi giữa đường dương thế
Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây…
Tiếng xe ma chở vội một đêm gầy
Xác truỵ lạc rũ bên thềm lá phủ
Ai hát khúc thanh xuân hờ ơi phấn nữ
Thanh xuân hờ Thanh xuân!
Bước gần ta chút nữa thêm gần
– Khoảng giữa tuổi xương, nghe loạn trùng hút tuỷ
Ai huỷ đời trai trên tang trống nhỉ?
Hay ác thần gõ quách nạo mồ khuya!
Đảo điên… mê say… Thể phách chia lìa
Nghe reo mạnh, chuỗi tiền cười lạnh lẽo!
Tiền rơi! Tiền rơi! Chùm sao huyền diệu
Lấp lánh hằng hà gạo rơi! Tiền rơi!
– Vàng mấy lá thừa đãi thây phủ chiếu

II
Ngã tư nghiêng nghiêng chia nẻo
Dặt dìu cung bậc Âm Dương
Tàn xuân nhễ nhại mưa cô tịch
Đầm đìa rả rích Phương Đông
Mang mang thở dài hồn đất trích
Lưỡi thép trùng trùng khép cố đô
Cửa ô đau khổ
Bốn ngả âm u
(Nhà ta thuê mái gục tự mùa thu
Gác cô độc hướng về phường Dạ Lạc)
Đêm đêm, đài canh tan tác
Bốn vực nhạc động, vẫy người
Giẫy đèn chao thắp đỏ quạnh máu đời
Ta về gác, gió gài then, cửa rú
Trên đường tối đêm khoả thân khiêu vũ
Kèn nhịp xa điệu múa Vô Luân;
Run rẩy giao duyên khối nhạc trầm trầm
Hun hút gió nâng cầm ca nặng nhọc
Kiếp người tang tóc
Loạn lạc đòi nơi xương chất lên xương:
Một nửa kêu than, ma đói sa trường
Còn một nửa lang thang tìm khoái lạc

III
Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác
Đi vào ngõ khói Công yên
Thấy bâng khuâng lối cỏ hư huyền
Hương nha phiến chập chùng mộng ảo
Bánh nghiến nhựa đường kêu sào sạo
– Ai vạc xương, đổ sọ xuống lòng xe?
Chiếc Quỷ xa qua bốn ngả ê chề
Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực
Mưa, mưa hằng thao thức
Trong phố lội đìu hiu
Mưa, mưa tràn trên vực
– Hang tối gục tiêu điều!
Mang linh hồn cô liêu
Tiếng xe càng ám ảnh
Tiếng xe dần xa lánh
Khi gà đầu Ô kêu

Tháng Ba dương lịch năm 1945

Ở trên là bài thơ theo bản in trên tạp chí Tiên phong (1946) với tiêu đề Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc. Một số bản in sau này ghi tiêu đề là Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc.

Nguồn:
1. Tạp chí Tiên phong, số 9, ngày 16-4-1946
2. Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ, Nam Chi xuất bản, 1970
3. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004

Ai về Kinh Bắc

Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc
Tôi gửi nhờ đem hộ lá thư?
Trời hỡi! ốm nằm trong quán trọ
Bạn bè còn lại mấy bài thơ…

Trông qua song cửa: trời vàng úa
Mấy lá bàng rơi nhắc nhở thu!
Chiều ốm cũng đang chầm chậm xuống
Sương mù chìm lẫn lá vàng thưa.

Hỡi người cưỡi ngựa về Kinh Bắc
Tôi gửi thư đưa hộ mẹ già
Cố thét song lời tôi yếu quá
Ngựa đều chân chạy, nhạc càng xa.


14-10-1941
Nguồn: Văn Cao, , NXB Tác phẩm mới, 1983

Nguyễn Thế Hoàng Linh: “Bắt nạt” và các bài thơ nổi tiếng

Nguyễn Thế Hoàng Linh sinh năm 1982. Hiện sống ở Hà Nội.

Tác phẩm:
– Thơ: Nguyễn Thế Hoàng Linh đã viết hàng nghìn bài thơ trên các diễn đàn mạng. Tác giả đã chọn lựa và làm thành các tập thơ: Mầm sốngUống một ngụm nước biểnEm giấu gì ở trong lòng thếBé tập tôMật thưRa vườn nhặt nắng,…
– Văn xuôi: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùngChuyện của thiên tài (tiểu thuyết), Văn chương động,…

Giải thưởng: Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2004 cho tiểu thuyết Chuyện của thiên tài.

Giá mà được chết đi một lúc

Giá mà được chết đi một lúc
chắc bình yên hơn một giấc ngủ dài
nếu được xuống địa ngục thì càng tốt
lên thiên đường sợ chả gặp ai

Giá mà được chết đi một lúc
tỉnh dậy xem người ta khóc hay cười
và xem thử mình sẽ cười hay khóc
làm ma có sướng hơn làm người?

Giá mà được chết đi một lúc
nằm im cho cuộc sống nhỏ tuôn trào
nếu người ta tống ngay vào nhà xác
cứ thế mà chết cóng cũng chẳng sao.

Nguồn: báo Tuổi trẻ

Lẽ giản đơn

đã bao giờ em bóc lịch
thấy qua vô nghĩa một ngày
rồi em ghi vào nhật kí
…ngày mai như ngày hôm nay…

đã bao giờ em hoảng hốt
khi mình bất lực trước mình
và em thấy trong đôi mắt
có gì ứa ra
vô hình

nếu có xin em đừng sợ
thật ra là rất bình thường
tất cả chúng ta đều thế
mỗi khi cần được yêu thương

(2001)

Giá tình yêu save được…

giá tình yêu save được
error thì load lại chẳng bận lòng
giá tình yêu delete được
chán
hắt xì một cái
thế là xong
tôi chỉ xin kể một câu chuyện nhỏ
có một lần tôi làm thơ trên máy tính
và đặt tên file là “tinhyeu”
khi không hài lòng tôi định xoá
cái máy tính bị coi là muôn đời vô cảm
hỏi tôi:
“are you sure you want to delete
‘tinhyeu’?”
tôi đã rùng mình
bạn ạ.

Lặng im thì cũng vừa tàn mùa đông

tôi hỏi một không tám không
chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?
chị tổng đài giọng nhu mì
à nhiều màu lắm vặt đi vẫn nhiều
hình như là bạn đang yêu?
không, em chỉ hỏi những điều hồn nhiên
hình như là bạn đang điên?
vâng, điên thì mới phí tiền hỏi han

xong xuôi hết bốn chín ngàn

Cảm ơn

cảm ơn những rung động bồng bột
đã không đuổi tôi ra khỏi tôi
những ngộ nhận thường làm thơ mềm hơn

sống là cuộc bóc vỏ ngộ nhận
ngộ nhận là vỏ tái tạo vĩnh cửu

những ngộ nhận làm anh đau xót
kể làm gì nào ai trách được đâu
cái cơn đang rơi ngoài cửa sổ
đứa trẻ vạch chim đái xuống đường
đâu ai biết đấy chẳng phải mưa
có người hít hà như làn hương

ai giúp anh cai nghiện ngôn ngữ
ngoài giọng nói khoả thân của em
ngày dài lắm như độ ngân dấu chấm
nỗi buồn ư
sự ngộ nhận sau cùng
cả vị ngọt khi anh nghe em khóc
cũng khó lòng giác ngộ mắt đại dương

xăm nỗi nhớ của tôi lên bóng tối
mà bình minh thanh thản lột da hoài
may chiếc áo dịu dàng bí hiểm
khoác lên em của quá khứ về sau

dập chấn động bằng cách đóng phố lại
tôi trở về làm tôi nhà quê
không hiểu cái đang làm tôi lạnh lẽo
khi bâng quơ nhìn nắng chết trên đồng
không
chỉ ngã gẫy xương thôi chứ
thoi thóp và châu chấu xoãi cánh nâng

05.03.04
Nguồn: http://tienve.org/home/li…rtwork&artworkId=1969

Bắt nạt

Bắt nạt là xấu lắm
Đừng bắt nạt, bạn ơi
Bất cứ ai trên đời
Đều không cần bắt nạt

Tại sao không học hát
Nhảy híp-hóp cho hay?
Thời gian trong một ngày
Đâu để dành bắt nạt

Sao không ăn mù tạt
Đối diện thử thách đi?
Thử kẻ yếu làm gì
Sao không trêu mù tạt?

Những bạn nào nhút nhát
Thì là giống thỏ non
Trông đáng yêu đấy chứ
Sao không yêu, lại còn…?

Đừng bắt nạt người lớn
Đừng bắt nạt trẻ con
Đừng bắt nạt nước khác
Trên khắp trái đất tròn

Đừng bắt nạt mèo, chó
Đừng bắt nạt trái cây
Đừng bắt nạt ai cả
Vì bắt nạt dễ lây

Bạn nào bắt nạt bạn
Cứ đưa bài thơ này
Bảo nếu cần bắt nạt
Thì đến gặp tớ ngay

Cứ đến bắt nạt tớ
Bị bắt nạt quen rồi
Vẫn không thích bắt nạt
Vì bắt nạt rất hôi!

Nguồn: SGK Ngữ văn 6 (tập I), NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 27-28. Dẫn lại từ: Nguyễn Thế Hoàng Linh, Ra vườn nhặt nắng, NXB Thế giới, 2017, tr24-25.

Nguyễn Thế Hoàng Linh: ‘Bài thơ Bắt nạt khơi gợi sự yêu thương’

Nguyễn Thế Hoàng Linh nói viết bài Bắt nạt (được in trong sách Ngữ văn lớp 6) với mong muốn khơi gợi tính cách quân tử, sự yêu thương.

Tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh nằm trong sách Ngữ văn lớp 6 (tập 1), thuộc bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 2021.

Bài thơ có trong tập Ra vườn nhặt nắng của tác giả, in lần đầu năm 2015. Sáng tác gồm tám khổ, mỗi khổ bốn dòng. Những ngày qua, nhiều độc giả, trong đó có các phụ huynh học sinh, cho rằng thơ có từ ngữ sáo rỗng.

Dịp này, nhà thơ trò chuyện về cảm hứng sáng tác Bắt nạt.

– Anh nói gì khi bài thơ của anh bị nhận xét ngôn từ ngô nghê, vô nghĩa?

Tôi cho rằng việc sử dụng từ ngữ đơn giản, học theo cách trẻ nói chuyện là cách hiệu quả để viết thơ cho trẻ em. Còn chiều sâu tác phẩm là những gì nén trong ngôn ngữ ấy. Không khó để thấy những ngôn từ đơn giản (thực chất là tối giản) vẫn có thể vẽ ra thế giới đầy hình ảnh, ý tưởng, trò chơi, nhân vật như mù tạt, hip hop, bạn nhút nhát, bạn bắt nạt, trẻ em, người lớn, tớ, mèo, chó, cái cây, đất nước. Rồi những nhân vật và có thể chính người đọc tham gia vào thế giới tưởng tượng, tương tác với nhau qua hành động như ăn mù tạt, học hát, nhảy hip hop, bắt nạt.

Vì “bắt nạt dễ lây” như con virus, gây ra cả một vòng tròn bắt nạt toàn cầu mà từ “đừng bắt nạt” phải dùng rất nhiều lần. “Bắt nạt” trong thế giới ấy và chính cuộc sống này được ví với mùi hôi vì là trò chơi bẩn, dễ gây xa lánh. Thông điệp sau lớp ngôn từ con trẻ ấy không chỉ đơn giản là “Bắt nạt là xấu lắm”. Tôi muốn nói về sự khơi gợi tính quân tử, sự yêu thương muôn loài: “Đừng bắt nạt ai cả”.

– Quan điểm của anh trước ý kiến cho rằng một số từ trong bài thơ xa lạ với trẻ em ở vùng quê như “mù tạt”, “hip hop”?

Trẻ con vùng quê, vùng xa cũng xem mạng xã hội và biết nhiều chứ, nhiều trẻ em miền núi như Sapa còn nói tiếng Anh giỏi hơn hầu hết người thành phố. Ở đâu trẻ em cũng không ngừng học hỏi. Một phần quan trọng của sự học chính là học từ mới, vì ngôn ngữ là nơi nén thế giới. Từ nào chưa biết, chỉ cần dạy là các em có thể hiểu trong chớp mắt. Từ mới không làm khó mà làm mới trẻ em.

– Theo anh, tác phẩm phù hợp với học sinh ở điểm nào?

Bài thơ phù hợp với các bạn nhỏ, học sinh nhiều lứa tuổi vì nó là cuộc đối thoại với trẻ em, bằng giọng điệu tôn trọng, thân thiện. Có nhiều hình ảnh buồn cười, dễ thương mang tính hoạt hình như “trêu mù tạt”, “nhảy hip hop”, “giống thỏ non”, “bắt nạt dễ lây”, “bắt nạt rất hôi”. Người đọc có thể thả trí tưởng tượng, sẽ thế nào khi bạn bị ức hiếp “đưa bài thơ này” cho bạn bắt nạt. Hay nếu người bắt nạt đến gặp “tớ” (tác giả) thì sao nhỉ? Các tình huống này giáo viên hoàn toàn có thể cho học sinh diễn kịch như một trò chơi tìm giải pháp. Bài có nhiều ý tưởng, hình ảnh có thể giúp tăng vận động não bộ. Khi não các em tập thể dục cùng những bài thơ hay, nhân văn, sự thú vị, yêu thích có thể chạm tới phần hướng thiện, thức tỉnh trong nhiều em.

– Anh nghĩ sao trước ý kiến cho rằng bài thơ nên được đưa khỏi sách giáo khoa?

Khi những người làm sách liên hệ và đề nghị đưa bài thơ của tôi vào chương trình học Ngữ Văn lớp 6, họ nói rất thích và muốn tác phẩm giúp ích cho nạn bắt nạt đang gây nhức nhối ở môi trường học đường. Qua trao đổi, tôi thấy được tâm huyết của họ và đồng ý.

Tôi không xin vào sách giáo khoa và cũng không có nhu cầu bài thơ của mình ở lại sách, nếu phần đông học sinh thấy dở. Nhưng nếu với nhiều em, bài này hay, có ích thì những người có ý kiến này cũng nên xem lại mình.

– Theo anh, tiêu chí để một bài thơ được đưa vào sách giáo khoa là gì?

Tôi vẫn cho rằng sách giáo khoa dùng cho nhiều học sinh, được các em tin tưởng như kim chỉ nam nên phải đảm bảo chất lượng cao. Một bài thơ đưa vào sách nên xuất sắc về nghệ thuật, vì có đủ số bài thơ như vậy để chọn ở nhiều tác giả cũ và mới. Muốn phù hợp với học sinh, người chọn tác phẩm ngoài việc có thẩm mỹ cao về văn chương còn cần hiểu về giáo dục.

– Anh bắt đầu viết thơ lúc nào và gặp khó khăn gì khi theo đuổi sự nghiệp này?

Hồi nhỏ tôi chủ yếu đọc ca dao, tục ngữ và thơ trong sách giáo khoa. Một ngày, tôi tự nhiên viết ra được những bài thơ hoàn thiện về vần điệu.

Tôi có tám năm viết tác phẩm mà không có nơi đăng trước khi tìm thấy Internet năm 2002. Rồi vài năm đấu tranh với gia đình để bỏ học, dành nhiều thời gian cho việc viết. Nhuận bút thị trường thấp, tôi cũng không thích tác phẩm của mình bị biên tập nên đành tự in và bán sách. Song song đó, tôi sáng tác, chăm sóc các trang mạng xã hội, đôi khi tôi bị quá tải. Ngoài ra, thói quen liên tục tìm kiếm bài thơ hay, tác phẩm mới khiến tôi không ngừng suy nghĩ, cùng chứng đau lưng đã gây mệt mỏi cho tôi.

Tuy nhiên, tôi thấy đó đều là những thử thách thú vị để vượt qua, trưởng thành hơn. Đến giờ tôi không còn than phiền về mấy chuyện này vì thấy bình thường. Bên cạnh khó khăn, thơ ca cũng đem lại cho tôi sự phát triển não bộ, nhiều nghị lực, tiếng cười trong lúc sáng tác và những độc giả thông minh, đáng yêu.

– Anh suy nghĩ gì về thực trạng xã hội đang ‘‘bội thực thơ dở’” hiện nay?

Thơ ca là phương tiện biểu đạt phổ biến nên việc nhiều người muốn diễn tả bằng hình thức này là nhu cầu cơ bản. Nhưng thơ ca xuất sắc lại đòi hỏi trí tuệ xuất sắc, đó chỉ là xác suất nhỏ. Vậy nên thơ dở nhiều như hàng quán mọc đầy đường là bình thường, nhất là khi ai cũng dễ dàng có công cụ xuất bản là trang cá nhân hay việc in sách đã dễ dàng hơn xưa. Bên cạnh đó, thơ hay như những quán ăn ngon cũng không ít. Thơ là sự chắt lọc cái hay từ tâm hồn thành từ ngữ, thời nào cũng có người hay làm thơ để tăng tư duy nên lúc nào cũng sẽ xuất hiện những bài thơ tốt. Muốn đọc và học cách đọc thơ hay thì sẽ tìm và hiểu được các tác phẩm thơ ca hay.

– Sắp tới anh ra mắt tác phẩm gì?

Tôi đang hoàn thiện bản thảo cho tập thơ tình Em giấu gì ở trong lòng thế? phiên bản 3.0. Ngoài ra, tôi cũng muốn xuất bản một cuốn tập hợp những câu trả lời trên web mạng xã hội toàn cầu và một tập thơ viết những năm gần đây.

Nguồn: VnExpress